Dự án 585 khớp cung cầu cho 8 bác sĩ trẻ tại các huyện nghèo, khó khăn tại tỉnh Thanh Hóa
Ngày 10/02/2022, Đoàn công tác Dự án 585 do TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Giám đốc Dự án đã đến làm việc với Sở Y tế Thanh Hóa về công tác đánh giá hoạt động của bác sĩ trẻ tình nguyện và khớp cung cầu nhu cầu tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa I. Tham dự đoàn công tác còn có GS. TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội; về phía tỉnh Thanh Hóa có TS. Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Y tế, Lãnh đạo các Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát và các bác sĩ trẻ có mong muốn tham gia dự án.
Tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 3,6 triệu dân, với 7 dân tộc sinh sống. Các dân tộc ít người chủ yếu sống ở huyện miền núi cao và biên giới. Toàn tỉnh có trên 14.000 nhân viên y tế. Tại các huyện miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa, số lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao rất ít. Đặc biệt các bác sĩ ở các trạm y tế rất hiếm. Theo Đề án 585 của Bộ Y tế, tỉnh Thanh Hoá có 20 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I tình nguyện về công tác tại 6 huyện nghèo, gồm Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát.
Thay mặt đoàn công tác TS. Nguyễn Thế Hiển cho biết, trong giai đoạn 2 (2021-2030), mỗi năm, Dự án sẽ đào tạo tối thiểu 100 chỉ tiêu BSCKI cho 62 huyện nghèo trên cả nước, với nhà tài trợ là Quỹ Thiện tâm (VinGroup). Dự án cũng sẽ đào tạo thêm đối tượng liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi; độ tuổi cũng điều chỉnh lại là nam dưới 40 tuổi, nữ dưới 37 tuổi có thể tham gia. Tuy nhiên, các bác sĩ trẻ phải cam kết công tác tại BV vùng khó khăn 5 năm, nếu không thực hiện đúng cam kết, bác sĩ sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề.
BSCKI. Viên Đình Hải – bác sĩ được đào tạo theo Dự án 585
Cũng tại buổi làm việc chia sẻ với đoàn công tác, BSCKI. Viên Đình Hải – bác sĩ được đào tạo theo Dự án 585, tình nguyện về công tác tại BVĐK huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá từ tháng 6/2021, chia sẻ, ngày 8/7/2021, BV nhận một bệnh nhân nuốt dao lam vào bụng. Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh, không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Thời điểm nhập viện, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, đau vùng hầu họng, đau bụng thượng vị, khạc ra máu đỏ tươi lẫn các cục máu đông. Bằng kinh nghiệm và kiến thức được đào tạo, Bác sĩ đã mạnh dạn xin giữ bệnh nhân lại điều trị và mổ lấy dị vật thành công.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cũng chia sẻ, từ câu chuyện của BS. Viên Đình Hải, chúng ta có thể thấy, các bác sĩ trẻ thực sự đã có trải nghiệm rất tốt về chuyên môn. Họ được đặt vào môi trường phải tự quyết định rất nhiều, không có bài học nào tốt bằng sự trải nghiệm này
Kết luận tại buổi làm việc, sau khi phỏng vấn các bác sĩ trẻ và Lãnh đạo các Bệnh viện đa khoa huyên, TS. Phạm Văn Tác cho biết đã thống nhất với Lãnh đạo Sở Y tế và khớp cung cầu cho 8 bác sĩ trẻ. TS. Tác cũng cho biết, Dự án 585 có có kỳ tuyển sinh đặc biệt, không giống bất kỳ tuyển sinh nào. Các bác sĩ được tuyển chọn từng người, ưu tiên chuyên ngành đang cấp thiết tại các cơ sở y tế huyện nghèo. Dự án đến trực tiếp khảo sát tại các địa phương, các huyện để khớp cung cầu. Mỗi bác sĩ trẻ được tuyển chọn sẽ được các thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc 1-1. Trong 24 tháng đào tạo, đây là thời gian vàng để các bác sĩ trẻ học hỏi, nâng cao tay nghề của chính mình để trở về phục vụ người dân.
Cũng trong ngày làm việc, Đoàn đã có buổi làm việc và thăm quan cơ sở vật chất của Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Thay mặt phân hiệu. GS. TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng đã cam kết sẽ hỗ trợ dành nguồn lực và ưu tiên cho dự án 585. Phân hiệu sẽ cố gắng khớp lịch và bố trí các tiết học lý thuyết cho các khóa đào tạo của Dự án, nhằm mục đích tạo thuận lợi tối đa cho người học cũng như tích kiệm nguồn lực cho Dự án.