VOV1 Tọa đàm: Bác sĩ trẻ về vùng khó khăn – Câu chuyện đào tạo Y khoa

Cập nhật 23/01/2021 | Lúc 1:32:18

Bên cạnh thành công nổi bật khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid 19, ngành y tế còn ghi dấu ấn khi tiếp tục đào tạo và đưa hàng trăm bác sỹ trẻ có trình độ khá, giỏi tăng cường về vùng khó khăn, giúp phát triển hệ thống y tế cơ sở, thu hẹp khoảng cách chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền.
Từ những câu chuyện mang ý nghĩa và lan tỏa những giá trị cho cộng đồng của các thầy thuốc trẻ thời gia qua còn cho thấy, để có đội ngũ thầy thuốc chất lượng thì công tác đào tạo cần được thực hiện chỉnh chu, nghiêm túc và khoa học thay vì tình trạng mở ngành đào tạo y dược ào ạt như thời gian gần đây.
Để trao đổi, bàn bạc về những nội dung này, Chương trình Đối thoại của Ban thời sự VOV1 đã mời là TS Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Giám đốc Dự án Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về cơ sở và PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương tham gia buổi tọa đàm.

TS. Phạm Văn Tác và PGS.TS Trần Danh Cường tại buổi Tọa đàm

Buổi toạ đàm được phát trực tiếp lúc 9h15 ngày 23/01/2021.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tóm lược một số nội dung chính tại buổi tọa đàm như sau:
Sau 7 năm, ngành y tế đã tuyển chọn, đào tạo được 354 bác sỹ trẻ chuyên khoa cấp I ở các lĩnh vực để bố trí về công tác tại các bệnh viện thuộc các huyện nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Sau khi nghe một số ý kiến của người dân nhận xét về đội ngũ thầy thuốc trẻ về vùng khó khăn công tác như nhờ có bác sỹ trẻ người dân không cần phải đến các bệnh viện tuyến trên xa xôi hay những mong muốn của chính quyền luôn có đội ngũ cán bộ y tế tay nghề cao tại địa phương, Ông Phạm Văn Tác đã chia sẻ:
Như quý vị đã biết, do chiều dài và địa hình nước ta, các vùng miền có sự thuận lợi khác nhau, vùng sâu vùng xa đặc biệt 62 huyện nghèo rất khó khăn, đi lại bất tiện, ngoài ra xu thế các bác sĩ khi ra trường thì muốn ở lại thành phố lớn nên công tác chăm sóc sức khỏe đặc biệt gặp nhiều khó khăn. Để đổi mới căn bản toàn diện và mạnh mẽ của ngành y tế, song song với các nhiệm vụ đổi mới khác Dự án 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng xa, vùng khó khăn đã được phê duyệt và thí điểm trong thời gian vừa qua. Trong thời gian thực hiện, dự án đã thu được rất nhiều kết quả như người dân đã đánh giá. Dự án đạt kết quả như vậy, trước hết do đã khớp cung cầu nghiêm ngặt, ví dụ như Bảo Lạc, Cao Bằng thiếu bác sĩ sản thì chúng tôi đã xem xét xem ở đó đã có các trang thiết bị, cơ sở để bác sĩ sản thực hiện tay nghề chưa và sau đó mới khớp với người đi học. Sau đó dự án mới thống nhất gửi về Bệnh viện Phụ sản trung ương và Đại học Y Hà Nội để đi học trong thời gian 24 tháng, với chương trình đào tạo đặc biệt 1 thầy 1 trò, cầm tay chỉ việc, ưu tiên thực hành, chương trình đào tạo này đã được Bộ Y tế phê duyệt. Sau 24 tháng học tập liên tục, các bác sĩ đã trưởng thành rất nhiều, các bác sĩ đã thực hiện được nhiều chuyên môn khó và khi công tác tại các huyện nghèo khó khăn, đem đến kết quả rất tốt. Như bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu về Mường Nhé, Điện Biên, một huyện rất xa, khó khăn của đất nước, bác sĩ đã đem lại niềm tin cho người dân bằng khả năng chuyên môn của mình, cứu được rất nhiều trẻ em sinh non (có những bé sinh chỉ có 1kg), để lại ấn tượng sâu đậm cho người dân nơi đây, khiến người dân mong muốn bác sĩ Hiếu luôn ở đây với họ. Bác sĩ Hiếu còn để lại ấn tượng với tinh thần cao, ngay cả khi bị phơi nhiễm HIV, sau khi được điều trị, bác sĩ đã quay trở lại huyện Mường Nhé làm việc, hoàn thành nghĩa vụ một cách xuất sắc thì mới quay lại nơi công tác cũ là Bệnh viện Nhi trung ương. Những điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc với chính quyền và người dân cơ sở.
Ở Bắc Hà, có bác sĩ Quyết cũng để lại ấn tượng, tại một huyện nghèo nhưng bác sĩ đã mổ được 1286 ca, như vậy trung bình một ngày bác sĩ Quyết mổ từ 1 đến 2 ca trong thời gian 3 năm bác sĩ Quyết đến công tác tình nguyện. Đây là hiệu quả rất tốt, đồng bào không cần chuyển về tuyến trên, đỡ vất vả và tốn kém cho bà con. Bác sĩ Quyết với trình độ chuyên môn cao đã cứu được rất nhiều người ở địa phương, mà trước đây những bệnh đó hầu như không cứu được, để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân.
Các bác sĩ trẻ khi tình nguyện về vùng khó khăn đều nhận được đánh giá rất tốt từ chính quyền địa phương, người dân và đồng nghiệp. Hiện nay các bác sĩ trẻ vẫn đang tiếp tục cống hiến tại các vùng sâu xa và trong thời gian tới Ngành Y tế sẽ tiếp tục tiến hành đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa, khó khăn cho đến khi người dân thấy có sự cân bằng trong chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền.
Huyện Mường Nhé, Điện Biên là huyện xa xôi, khó khăn của đất nước, nếu đi từ Hà Nội mất khoảng 13 tiếng và sau 5 lần đến Mường Nhé thì TS. Phạm Văn Tác cảm nhận được mong muốn có bác sĩ giỏi phòng bệnh cho người dân rất lớn.
Vấn đề chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng rất quan trọng, các bác sĩ trẻ đã tình nguyện lên đó hỗ trợ người dân, thậm chí thay đổi tư duy cho người dân. Như bác sĩ Sùng Seo Tỏa, là người Mông tại Mường Khương, Lào Cai chuyên khoa sản đã thay đổi được tập tục của người dân tại đây như: không cho máu người khác vì nếu cho máu mà người đó chết mình cũng chết theo; khi phụ nữ lấy chồng thì chỉ người chồng được đỡ đẻ … Bác sỹ Sùng Sao Tỏa đã đã thay đổi được điều đó, người dân đã hiểu khi bệnh thì đến y tế, khi đẻ thì phải để bác sĩ đỡ vì họ đã tin đến bác sĩ thì sẽ tốt cho người bệnh, cho người mẹ và trẻ. Điều này đã chứng tỏ vượt qua cả kỹ thuật của y tế, bác sĩ trẻ đã làm được điều lớn lao là thay đổi những tập tục không tốt của người dân. Như vậy, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn thực hiện theo đúng chỉ đạo mà Thủ tướng đã nói không để người nào lại phía sau không được chăm sóc sức khỏe.
Tại buổi tọa đàm PGS.TS Trần Danh Cường có chia sẻ chương trình đào tạo đội ngũ thầy thuốc bác sĩ trẻ tình nguyện, ngành y tế đã thiết kế 70% thời gian thực hành tại các bệnh viện là một chủ trương rất đúng, các học viên được học 1 kèm 1, được học tại Bệnh viện tuyến trên với rất nhiều trường hợp bệnh nên các em có cơ hội thực hành cao. Các em được đào tạo từ lý thuyết đến kỹ năng, kỹ năng bệnh phòng, kỹ năng chẩn đoán, xử trí bệnh. Dự án đã giúp tuyến cơ sở có những hạt nhân được đào tạo chất lượng cao, thu hút được bệnh nhân cho tuyến dưới, giảm bớt được quá tải cho tuyến trên và đặc biệt truyền cảm hứng cho cán bộ cùng công tác đi học.
Trả lời khán giả theo dõi buổi Tọa đàm về ý kiến cần nâng cao đời sống cho bác sĩ tại vùng khó khăn bằng hình thức bổ sung thêm nội dung công việc công tác dự phòng tại địa phương và cần kết hợp kiến thức dự phòng cho ngành du lịch trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay; TS. Phạm Văn Tác hoàn toàn đồng ý và chia sẻ: theo Nghị quyết 20 Trung ương 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng về đổi mới ngành y tế trong giai đoạn tới đã nói rất rõ Y tế cơ sở là nền tảng, y tế dự phòng là then chốt, do vậy GS. TS Nguyễn Thanh Long Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo tiếp nối thành công của Dự án 585 sẽ xây dựng Dự án mới đào tạo cho cán bộ y tế vùng khó khăn theo nguyên tắc địa phương thiếu gì thì cung cấp cái đó. Như vậy, song song với các hoạt động khác, thì chúng ta cần chuẩn bị nhân lực cho vùng khó khăn, đây là chủ trương lớn trong giai đoạn tới. Như vậy, khu vực nào cần dự phòng thì Dự án sẽ đào tạo cán bộ y tế dự phòng. Về chế độ đãi ngộ cho bác sĩ trẻ về vùng khó khăn, hiện nay trong 354 bác sĩ đã học xong có 44 bác sĩ khi lên đường tình nguyện về vùng sâu vùng xa, các bác sĩ đã được tuyển dụng vào các bệnh viện tuyến trung ương (như Bạch Mai, Phụ sản trung ương, Nhi trung ương ….). Còn 310 bác sĩ là cán bộ tại địa phương được cử đi học, họ đã trở về và công tác lâu dài tại nơi công tác. Trong dự án mới cũng quy định các bác sĩ cần công tác 5 năm sau đào tạo và sẽ đào tạo mở rộng ra nhiều đối tượng khác như: dược sĩ, đào tạo chuyên khoa II, kỹ thuật viên, điều dưỡng … theo nhu cầu của địa phương. Dự án sẽ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Với ý kiến của khán giả theo dõi buổi Tọa đàm nêu cần kết hợp dự phòng với ngành du lịch, TS. Phạm Văn Tác cho biết trong giai đoạn dịch Covid-19 chúng ta thấy áp dụng khoa học công nghệ, phối hợp đa ngành là rất quan trọng, ngành du lịch cũng cần hiểu biết về y tế và đây cũng là kênh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mỗi người hướng dẫn viên du lịch cũng cần trở thành cán bộ y tế để tuyên truyền và mỗi cán bộ y tế cũng cần là hướng dẫn viên du lịch để tăng hiệu quả kinh tế như Chủ tịch nước đã chỉ đạo chúng ta cần đạt mục tiêu kép xây dựng đất nước trong tình hình mới để phát triển đất nước. Và chúng ta đã chứng minh được trong thời gian vừa qua. Nhưng tất cả người dân, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ y tế vẫn cần đặc biệt lưu ý chúng ta đang đối mặt với đại dịch Covid-19 rất nặng nề trên thế giới.
Trong dịp xuân mới Tết Tân Sửu như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Vũ Đức Đam Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi, TS. Phạm Văn Tác mong muốn đồng bào ở nước ngoài hết sức bình tĩnh, cần nhập cảnh chính ngạch và có kiểm soát, để nhân dân cả nước được hưởng một mùa tết an lành và để chúng ta có một tiềm lực mới phát triển trong năm 2021 cũng như để chào mừng thành công của Đại hội đảng lần thứ XIII.
Chia sẻ với những mong muốn của các bác sĩ tuyến cơ sở về việc tuyến cơ sở tiếp tục được đào tạo và cung cấp thêm trang thiết bị y tế, TS Phạm Văn Tác vui mừng thông báo sau thời gian Dự án 585 tạm dừng do dự án HPET đã kết thúc không còn hỗ trợ, thì hiện nay Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VinGroup đã cam kết hỗ trợ hàng năm khoảng 20 tỷ để đào tạo cho các bác sĩ trẻ và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo, như vậy Dự án sẽ vẫn tiếp tục cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tuyến cơ sở. Đặc biệt, đúng như mong muốn của bác sĩ Sùng Seo Tỏa và các cơ sở y tế vùng khó khăn, Quỹ Thiện Tâm sẽ xem xét nếu tuyến cơ sở được đào tạo bác sĩ trong dự án mà cơ sở vật chất thiếu hoặc chất lượng xuống cấp thì Quỹ sẽ xem xét đầu tư thêm trang thiết bị y tế nhằm giúp bác sĩ sau quá trình đào tạo trở về công tác có thể thể hiện hết năng lực được đào tạo. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ quan tâm đầu tư hơn cho các vùng khó khăn từ nguồn ngân sách cũng như các nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, chung tay cùng ngành y tế. Với sự quan tâm này, TS. Phạm Văn Tác hy vọng các bác sĩ trẻ thuộc dự án 585 sẽ là hạt nhân để giai đoạn tới giúp cho chăm sóc sức khỏe của đồng bào ở vùng sâu vùng xa được nâng cao, xóa nhòa ranh giới phân biệt chất lượng giữa các vùng miền.

Nội dung chi tiết buổi tọa đàm xin xem video sau: