Đề án đánh giá thực trạng năng lực y tế tuyến cơ sở
Ngày 03/11/2021 Bộ Y tế đã tổ chức buổi thẩm định Đề cương đề án “Đánh giá thực trạng năng lực y tế tuyến cơ sở” do trường Đại học Y tế công cộng xây dựng. Cuộc họp dưới sự chủ trì của TS. Phạm Văn Tác – Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS qua sự ủy quyền của GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế; cùng sự tham gia của lãnh đạo các Vụ Cục liên quan.
Y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân, là đơn vị y tế gần dân nhất, kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo – nơi cách xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương.
Để có cơ sở nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở Ngành y tế cũng đã xác định đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.
Phát biểu tại buổi thẩm định TS. Phạm Vă Tác cho biết việc đánh giá năng lực y tế tuyến cơ sở là vấn đề lớn, phức tạp, khó nhưng lại yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay với bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Với những ý kiến góp ý của các đại biểu Trường Đại học Y tế công cộng cần tiếp thu ý kiến, hoàn thiện đề cương tổng thể (có cả đề xuất giải pháp của giai đoạn 2) và gửi các Vụ/ Cục. Nội dung đề xuất cho giải pháp có thể cân nhắc đến các khía cạnh: Thách thức về sự thay đổi của cơ chế vận hành; Tình huống khẩn cấp y tế cơ sở phản ứng ra sao?; Nhân lực và hệ thống tổ chức nhân lực; Các điều kiện để hệ thống YTCS hoạt động hiệu quả; Cơ chế Quản lý. Với mục tiêu để y tế cơ sở từ chỗ chỉ là “tuyến dưới”, trở thành “trung tâm” và giữ vai trò là “người gác cổng”, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.