Bác sỹ trẻ tình nguyện 585: Hành trình mang kiến thức về phục vụ bà con vùng cao

Cập nhật 22/02/2021 | Lúc 9:01:50

Sùng Seo Tỏa, dân tộc Mông, Bác sỹ trẻ tình nguyện Dự án 585

 

Tôi sinh ra trong một gia đình có bảy anh chị em, có thể nói gia đình tôi là gia đình nghèo nhất thôn, xã nơi tôi sinh ra. Tôi chỉ có thể sơ lược gọn vài câu về tôi như sau: Từ nhỏ vốn đã mơ ước được học hành để thoát ly. Năm 1990, tôi đã là cậu bé 12 tuổi, may mắn là cái mốc của cuộc đời tôi là được tuyển vào trường dân tộc nội trú để học – cái trường mà được học tập, được ăn, ở Nhà nước nuôi mà thời ấy biết bao người mơ ước không được. Suốt 12 năm học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú số 2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú số 1 Mường Khương và Trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị Việt Lào – Sơn Tây – Hà Tây (bây giờ là Hà Nội). Những năm tháng học tại trường, tôi luôn là một trò ngoan, học tập thuộc dạng khá giỏi. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp cấp ba tôi không thi vào đại học cao đẳng nữa vì gia đình tôi quá nghèo, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm tôi được cử tuyển xuống Trường Đại học Y Thái Bình học bác sĩ khoảng 7 năm thì ra trường, về địa phương năm 2010. Được lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo cơ quan quan tâm, tôi được tuyển vào Bệnh viện huyện Mường Khương công tác. Mấy năm công tác, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mường Khương là một huyện miền núi, giáp biên giới Trung Quốc thuộc tỉnh Lào Cai, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Nơi đây đồng bào chủ yếu là người dân tộc thiểu số, dân tộc ít người, công việc chủ yếu là làm ruộng, nương rẫy, một cuộc sống thuần nông tự cung tự cấp, trình độ dân trí thấp, lạc hậu có nơi còn nhiều hủ tục chưa thể dứt bỏ, cái ăn chỉ đủ no cái bụng, đến khám bệnh chữa bệnh là cả một vấn đề lớn của hầu hết các hộ gia đình. Có nhiều thứ đồng bào ta rất thuận lợi nhưng có quá nhiều điều dân ta chưa làm được, một hai dòng chữ không thể mô tả hết nỗi khó khăn, vất vả của đồng bào ta. Nhưng hôm nay tôi có mặt tại đây để kể về đồng bào thì công sức của đồng bào giúp đỡ tôi trưởng thành như ngày hôm nay là không thể kể hết được.

BS Sùng Seo Tỏa, dân tộc Mông, bác sỹ trẻ tình nguyện Dự án 585

 

Một câu hỏi tại sao tôi tình nguyện tham gia Dự án 585? Tôi đã biết Dự án từ năm 2013 nhưng tôi không mấy chú ý tới nó. Năm 2016, anh Việt – Giám đốc bệnh viện có thông báo rằng sắp có 2 bác sĩ trẻ của Dự án 585 về huyện ta công tác và đã xin được Bộ Y tế cho phép bác sĩ là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại đây tham gia Dự án, vậy là cơ hội gần đến với tôi. Tôi vào mạng tra cứu Dự án 585: các nội dung, điều kiện tham gia Dự án thì tôi lại là người quá tuổi. Có một hôm, tôi tâm sự với Giám đốc về Dự án và nói rằng: Thưa anh Việt, em rất muốn học theo Dự án này nhưng tiếc quá vì em đã 36 tuổi rồi. Mấy hôm sau anh Việt đi họp Hà Nội về có nói với tôi là: Tỏa à, anh vừa xin ý kiến Bộ trưởng rồi, Bộ trưởng trả lời rằng trường hợp em là trường hợp đặc biệt, cho đặc cách vì em đã làm khoa sản mấy năm rồi. Tôi mừng quá và xin anh Việt cho em tham gia Dự án vì tôi nghĩ rằng mình có tuổi rồi không học sau này không có kiến thức sẽ không chữa bệnh khỏi cho đồng bào mình, thậm chí chính người thân mình cũng không biết phải làm gì cho khỏi, tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản như vậy thôi.

Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi gồm ba bác sĩ nhận quyết định trúng tuyển học chuyên khoa I thuộc Dự án 585, tôi rất vui và lên đường nhập trường ngay. Tại trường, nhà trường đã tạo điều kiện cho chúng tôi được ở ký túc xá mới của nhà trường và đi học… Sau 6 tháng học các môn bổ trợ xong rồi chuyển sang học chuyên ngành tôi rất lo, tôi và BS. Hưng sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương gặp BS. Huy, BS. Quyên (hai bác sĩ khóa 2 thuộc Dự án 585) trao đổi về cách thức tiếp cận để học, phương pháp học, hai bác sĩ khóa trên nói rằng: Học như thế nào là do mình, thực ra thì quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ. Mấy hôm sau, tôi gọi điện trao đổi với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Bích Vân và mong được gặp cô để trao đổi về quá trình học tập. Gặp cô trên phòng riêng của cô giáo, cô có hỏi tôi: “Em đã làm khoa sản được mấy năm, đã tự mổ ca nào chưa?” Lúc đó tôi đỏ mặt và không biết phải trả lời cô giáo như thế nào. Tôi trả lời cô rằng: “Thưa cô em mới mổ được vài ca thôi ạ! Em mong cô giúp đỡ”, cô nói rằng: “Em đã đi làm rồi nhưng đi học là phải học lại từ đầu, học và làm đúng sách dạy, học phác đồ điều trị tại bệnh viện này, tôi có nhiệm vụ là dạy cho em biết mổ những cái cấp cứu cơ bản sau đó mới học thứ khác”. Tôi rất mừng vì cô rất quan tâm đến việc học của tôi. Trong 2 năm học tại trường và chiếm 80% là học tập tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ở đó, tôi được tham gia học tập tại các khoa của bệnh viện như chương trình bác sĩ nội trú, được các thầy cô, các anh, các chị hướng dẫn tận tình chu đáo, được mọi người yêu quý, đi trực theo tua của bác sĩ nội trú. Ca đầu tiên tôi được cô Bích Vân đứng cho mổ đẻ là một sản phụ 39 tuổi có thai lần đầu tiên – chuyên ngành hay chỉ định mổ vì mẹ cao tuổi, ca mổ thành công nhưng vẫn lo vì không thấy cô nhắc nhở những điểm yếu kém của mình. Những tháng ngày học tập tại bệnh viện tôi được học rất nhiều bệnh mà từ trước đây tôi chưa biết điều trị, tiếp cận các kỹ thuật mới, phác đồ mới, các thể lâm sàng khác nhau, cách điều trị khác nhau trên cùng một loại bệnh. Hai năm không phải là thời gian quá dài nhưng cũng không phải là thời gian quá ngắn, mặc dù còn nhiều thứ phải học nhưng sao thời gian trôi đi nhanh thế, mới hôm nào mà đã hết hai năm học, cảm giác vừa vui, vừa buồn vì sắp phải xa thầy cô, bạn bè tại Hà Nội, về địa phương mình một mình đối diện với ca bệnh khó chẩn đoán, ca mổ cấp cứu thì hỏi ai? Hàng loạt các câu hỏi trong đầu nhưng vẫn phải về vì đồng bào có thể đang chờ mình giúp ích gì đó cho họ.

Sau khi về đến nhà, chưa kịp về thăm bố mẹ, anh chị em, tôi lại bắt tay ngay vào công việc của mình. Tại cơ quan, nhiều lúc tôi rất boăn khoăn không biết phải bắt đầu từ đâu vì tại trường có nhiều trang thiết bị phục vụ chẩn đoán điều trị, theo dõi người bệnh còn ở đây có nhiều hạn chế cho phục vụ chẩn đoán. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tôi trực tiếp tham gia điều trị tại khoa sản, chẩn đoán bệnh, điều trị, mổ cấp cứu, mổ phiên. Có những ca bệnh khó chẩn đoán ví dụ như chửa ngoài tử cung. Quan điểm làm bác sĩ của tôi thật đơn giản cứ bám theo câu nói của thầy Lai – nguyên Trưởng bộ môn Ngoại ở Trường Đại học Y Thái Bình: “Để trở thành một tay dao mổ thì chỉ cần học 6 tháng nhưng để trở thành một bác sĩ giỏi thực sự thì cần cả cuộc đời”. Thầy nói rất đúng vì khó nhất là chẩn đoán chính xác, xử trí những tai biến trong cuộc mổ mới là khó.

Đôi lời tâm sự này của tôi là tận đáy lòng, tuy nó khô cằn, ngoằn nghoèo nhưng đó là lời chân tình. Cuộc đời đã theo ngành Y thì phải học tập, cập nhập kiến thức liên tục, học cả đời, vẫn còn đó bao nhiêu khó khăn gian khổ mà cá nhân tôi và các y bác sĩ đồng nghiệp tôi sẽ còn gặp, đối mặt, điều chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm… Em cũng xin cảm ơn Đảng, Nhà Nước, Bộ Y tế, đặc biệt là cảm ơn các thầy cô, các anh trong Ban quản lý Dự án 585 đã cho em một cơ hội, rồi cho em một cuộc đời, em cảm ơn cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Bích Vân, các thầy, cô, các anh, các chị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và các thầy cô khác của trường, cảm ơn Ban Giám đốc Bệnh viện Mường Khương, Sở Y tế tỉnh, đặc biệt là anh Việt – Giám đốc của em.

Mường Khương, ngày 08/08/2019

Thử nghiệm lâm sàng vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib cộng hợp hấp phụ Download Foxit Reader 12.11 Full Crack Miễn Phí 2024 Giải pháp Tải & Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack đơn giản Nhất 2024