Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045

Cập nhật 13/05/2021 | Lúc 4:19:14

Ngày 13/5/2021, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội đã tổ chức buổi lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia đối với “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”. Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì. Tham dự có các chuyên gia từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo tham dự với vai trò chuyên gia về lĩnh vực Y tế.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng

 

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đã được nghe Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp trình bày “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”. Theo đó Chiến lược đã đưa ra được hướng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, hiện đại, linh hoạt, dễ tiếp cận và hội nhập quốc tế. Tạo chuyển biến mạnh mẽ quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Góp ý với “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”, Ts. Phạm Văn Tác đã có những góp ý chi tiết và đề xuất bổ sung thêm giải pháp thực hiện. Ngoài ra, Ts Tác cũng chia sẻ với đặc thù ngành Y, để bảo đảm chất lượng nhân lực, tạo tiền đề nâng cao chất lượng y tế, tại Nghị định số 75/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Y tế có nhiệm vụ “Quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật”. Việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược. Đây là những cơ sở rất quan trọng để xây dựng “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”. Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia và đề nghị Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp ghi nhận các ý kiến để chỉnh sửa, giải trình.