Đào tạo khẩn cấp, miễn phí về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19
Từ ngày mai, 6.9, Trường ĐH Y Hà Nội triển khai chương trình đào tạo khẩn cấp và miễn phí phục vụ việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế và bất kỳ ai quan tâm.
17 giờ chiều mai, 6.9, Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu triển khai chương trình đào tạo khẩn cấp phục vụ việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19.
Chương trình sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên y tế và cộng đồng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Thời gian học mỗi ngày được bắt đầu từ 17 giờ, kết thúc lúc 19 giờ; học từ chiều thứ 2 đến chiều thứ 6 hàng tuần.
Mỗi buổi học sẽ có 2 chuyên đề, giảng viên là những chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan tới việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19, xét nghiệm và đảm bảo chất lượng xét nghiệm Covid-19 của Trường ĐH Y Hà Nội. Việc dạy, học thông qua ứng dụng Webinar Zoom và livestream tại fanpage của Trường ĐH Y Hà Nội.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết chương trình đào tạo được thiết kế phục vụ cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước. Tuy nhiên, những người dân bình thường nếu quan tâm vẫn có thể đăng ký theo học. Người học được miễn phí hoàn toàn.
Hiện nay, lịch học với từng chủ đề cụ thể đã được ấn định từ ngày 6 đến 17.9. Người học quan tâm đến chủ đề nào thì chủ động đăng ký tham gia chủ đề đó, không nhất thiết phải tham gia tất cả các buổi học. Chương trình kéo dài đến bao lâu hiện chưa xác định, có thể cả tháng hoặc hơn. Chương trình sẽ được cập nhật và thay đổi tuỳ theo nhu cầu của số đông người học.
“Hàng chục ngàn nhân viên y tế và những người tình nguyện hiện đang tham gia chống dịch Covid-19, không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức chuyên môn cần thiết nên họ rất khát kiến thức về vấn đề này. Vì thế, Trường ĐH Y Hà Nội mở chương trình đào tạo khẩn cấp, phục vụ nhu cầu hiểu biết về chuyên môn để có thể làm việc được ngay của những người tham gia chống dịch. Vì thế, người học xác định học là để hiểu biết, để có thông tin, chứ không phải học để lấy chứng chỉ”, GS Văn chia sẻ.
Tuy nhiên, GS Văn cũng cho biết thêm: “Song song với hoạt động này, trường sẽ xây dựng chương trình học, viết giáo trình, để đề nghị Bộ Y tế thông qua, rồi đào tạo cấp chứng chỉ theo đúng chuẩn mực của một khóa đào tạo. Hiện tại, do nhu cầu đang quá cấp thiết nên cần thiết phải triển khai theo cách thức nói trên, để truyền tải thông tin chuyên môn cho những người tham gia chống dịch có kiến thức để làm việc”