Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Sẽ hoàn thiện thể chế đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế
Tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua một số luật trong đó có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Liên quan đến đào tạo nhân lực y tế, TS.Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và là thành viên trong tổ công tác về đổi mới đào tạo của Bộ Y tế, đã có trao đổi với phóng viên Báo sức khỏe đời sống.
Phóng viên (PV): Thưa ông, chúng tôi được biết trong thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực y tế đã có những bước đổi mới tích cực, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế. Ông có thể cho biết chủ trương đổi mới đó có được thể hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được trình để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 22/10/2018?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Có thể nói, trước yêu cầu ngày càng cao về tăng cường chất lượng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đổi mới đào tạo nhân lực y tế là hết sức cần thiết, đòi hỏi phải có sự thống nhất và tham gia đồng bộ của nhiều cấp, nhiều cơ quan, ban, ngành. Việc đổi mới này nằm trong tổng thể chung của cả nước thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đổi mới đào tạo nhân lực y tế cần đảm bảo những yếu tố đặc thù nghề nghiệp đã được khẳng định trong nhiều văn kiện mà mới đây nhất là Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII – đó là “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Để hiện thực hóa quan điểm này, cần phải xác định những vấn đề còn bất cập, cần phải giải quyết và thể chế hóa cụ thể vào các văn bản luật và văn bản dưới luật. Chính vì vậy, dưới sự chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt của Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức với sự có mặt của lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Các vấn đề xã hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia trong nước và các chuyên gia quốc tế đến từ Tổ chức Y tế Thế giới, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan… Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã thường xuyên trao đổi và chỉ đạo các cơ quan chức năng của 2 Bộ tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất những quy định phù hợp để vừa kiểm soát chất lượng, vừa đảm bảo yêu cầu cung cấp về số lượng (đặc biệt là cho y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn), vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà mục tiêu cuối cùng là người dân Việt Nam được hưởng chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Qua quá trình nghiên cứu, thảo luận cả 3 nội dung liên quan đến nhân lực là quy mô, cơ cấu và chất lượng đều được xem xét giải quyết, đó là: nhu cầu nhân lực trong hệ thống y tế; cơ cấu nhân lực theo từng ngành, trình độ, thời gian đào tạo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ và chức danh nghề nghiệp; yêu cầu về năng lực cần có của người cán bộ y tế và cơ chế kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực y tế.
Với những định hướng đó, trong thời gian qua, nhiều văn bản liên quan đến đào tạo nhân lực y tế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế ban hành như Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 về tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe, Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 về Khung cơ cấu giáo dục quốc dân, Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 về Khung trình độ quốc gia, các Thông tư về mở ngành đào tạo, danh mục mã số đào tạo, đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia… Tuy nhiên, nhiều nội dung cũng cần phải được luật hóa để đảm bảo tính đồng bộ, tạo tiền đề để xây dựng các chính sách liên quan khác. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng cũng như tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và 2 Bộ trưởng, chúng tôi đã nghiên cứu, giải trình và đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xem xét để đưa một số nội dung liên quan đến đặc thù đào tạo y tế (khối ngành sức khỏe) vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
PV: Ông có thể cho biết những nội dung cụ thể liên quan đến đào tạo nhân lực y tế được thể hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Có thể nói, dự thảo lần này đã tiếp cận rất nhiều nội dung phù hợp với xu hướng chung của quốc tế hiện nay mà vẫn đảm bảo phù hợp thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề đổi mới chung như hệ thống giáo dục đại học, quản trị đại học, tự chủ đại học, tài chính, đầu tư…, một số đề xuất quy định tại Điều 6, Điều 38 và Điều 73 của dự thảo Luật nhằm làm rõ đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế là: thứ nhất, khẳng định có 2 hướng đào tạo là hướng hàn lâm, nghiên cứu (academic) bao gồm thạc sĩ, tiến sĩ và hướng đào tạo để hành nghề chuyên nghiệp (professional) gồm chuyên khoa, chuyên khoa sâu (hiện nay đang là nội trú, chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2); thứ hai, cần xác định công nhận tương đương về mặt trình độ giữa hai hướng đào tạo để đảm bảo quyền lợi cho những người làm chuyên môn y tế. Chúng tôi xin khẳng định “tương đương” ở đây là tương đương về bậc trình độ trong khung trình độ do Nhà nước ban hành, hoàn toàn không dùng bằng cấp này thay cho bằng cấp kia được (muốn được công nhận là tiến sĩ thì phải học chương trình tiến sĩ, muốn được công nhận là bác sĩ chuyên khoa thì phải học chương trình chuyên khoa), muốn được công nhận tương đương thì cần phải đạt được các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể. Việc đưa ra một thước đo (chuẩn đầu ra) chính thức về trình độ của các chương trình đặc thù sẽ giúp cho việc chuẩn hóa các chương trình này và cập nhật quốc tế. Nội dung này đã được thể hiện trong bản phân loại tiêu chuẩn giáo dục quốc tế (International Standard Classification of Education) do UNESCO ban hành năm 2011, trong đó đã tiếp cận các khái niệm trình độ thạc sĩ hoặc tương đương (Master’s or equivalent level, trang 55), trình độ tiến sĩ hoặc tương đương (Doctoral or equivalent level, trang 59). Để cụ thể hóa các nội dung này, theo tinh thần của dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
PV: Với nhiều nội dung quy định như vậy, ông có thể cho biết lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi của những chính sách đó?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Như trên tôi đã nêu, để có cơ sở đưa ra các đề xuất đổi mới như vậy, chúng tôi đã có nhiều cuộc hội nghị, hội thảo với các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các đợt thăm quan thực tế mô hình của một số nước và đánh giá thực trạng của Việt Nam. Một số nội dung đã được đề cập ở các văn bản với các cấp độ khác nhau, ví dụ như: vai trò của các cơ sở y tế trong đào tạo đã được quy định trong Nghị định số 111/2017/NĐ-CP; về công nhận tương đương trình độ đã được tiếp cận trong Quyết định số 1982/QĐ-TTg và sẽ cập nhật, bổ sung thêm các nội dung trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế (ISCED-2011, WHO…); quy định về đào tạo chuyên khoa chúng tôi đã dự thảo cơ bản về các nội dung như thời gian, văn bằng, điều kiện công nhận tương đương trình độ… và dự kiến sẽ trình Chính phủ ngay khi Luật được thông qua và có hiệu lực; về thiết kế chương trình để đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của Khung trình độ quốc gia, chúng tôi đã mời các chuyên gia của WHO và Đại học Y khoa Havard tư vấn… Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội thống nhất thông qua, các chính sách về đổi mới đào tạo nhân lực y tế sẽ được cụ thể hóa và sớm đi vào cuộc sống, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nhân lực y tế, góp phần đáp ứng yêu cầu tăng cường chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 (khóa XI) và Nghị quyết số 20 (khóa XII).
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống