Diễn văn kỷ niệm 65 năm thành lập Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và Ngày Nhà giáo Việt Nam

Cập nhật 20/11/2020 | Lúc 11:17:33

Ngày 18/11/2020 Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã long trọng tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (1955 – 2020) và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đăng tải toàn văn bài Diễn văn trong Lễ kỷ niệm nói trên.

 

 

Toàn văn bài diễn văn:

– Kính thưa: GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế,
– Kính thưa các Đ/c nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế,
– Kính thưa các Đ/c Thứ trưởng, Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch Nước,
– Kính thưa các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Thứ trưởng BYT,
– Kính thưa các Thày, Cô giáo lão thành,
– Kính thưa các Thầy, Cô đại diện cho hội đồng của BYT, các cơ sở đào tạo, cơ sở Nghiên cứu khoa học,
– Kính thưa các vị đại diện cho các tổ chức quốc tế,
– Kính thưa toàn thể các vị khách quý.

65 năm là một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ, hôm nay trong buổi lễ trang trọng này kính mời các Thầy, các Cô và Quý vị đại biểu nhìn lại thành tựu phát triển và trưởng thành của hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Y tế mà điều đó đã trở thành một phần không thể thiếu được trong lịch sử phát triển vẻ vang của ngành Y tế nước nhà.
Tháng 4/1955, Bộ Y tế thành lập Ban Huấn luyện, là một trong 5 cơ quan thuộc Bộ lúc bấy giờ với nhiệm vụ quản lý huấn luyện cán bộ và nghiên cứu. Miền Bắc trở thành hậu phương lớn, toàn miền Bắc chỉ có 100 Bác sĩ, 200 Y sĩ, cơ sở Y tế xã, huyện chưa hình thành, cán bộ Y tế thiếu trầm trọng. Năm 1961, Vụ Huấn luyện được thành lập (tiền thân là Ban Huấn luyện) là một trong 8 Vụ của Bộ Y tế Ban Huấn luyện được giao nhiệm vụ phát triển nhanh chóng cán bộ y tế, bảo đảm y tế tại chỗ và cung cấp cán bộ cho chiến trường miền Nam.
Từ năm 1964, chiến tranh mở rộng ra cả hai miền. Công tác đào tạo chuyển hướng phục vụ chiến đấu, kết hợp chặt chẽ quân dân y. Hệ thống nhân lực y tế đã có trên 1.300 bác sĩ, hơn 400 dược sĩ , trên 30 ngàn y sĩ, nữ hộ sinh, y tế xã và 45 ngàn vệ sinh viên. Hàng ngàn Bác sĩ, Dược sĩ, cán bộ Y tế đã vào chiến trường cứu chữa thương bệnh binh dưới mưa bom bão đạn, và cũng chính những thử thách khắc nghiệt đó đã tạo nên nền y học quân sự Việt Nam đáng tự hào của chúng ta. Năm 1968, Vụ Huấn luyện tổ chức hội thảo: “Đề cương cách mạng khoa học kỹ thuật ngành y tế” với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, đánh giá y tế 10 năm và phương hướng các năm tiếp theo, nhấn mạnh đến phòng bệnh, nghiên cứu bệnh bướu cổ, vi trùng, ký sinh trùng, sinh hóa, miễn dịch, huyết học, sinh lý, đánh dấu bằng việc thành lập Cục Đào tạo thay thế cho Vụ Huấn luyện.
Năm 1971, Vụ Quản lý Khoa học kỹ thuật ra đời, công tác nghiên cứu khoa học đi vào những vấn đề thực tiễn và cấp bách của ngành và của xã hội là vệ sinh phòng chống các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm não, sốt rét. Trong giai đoạn này, đào tạo CKI, CKII cho Bác sĩ và Dược sĩ đặc thù ngành y tế được thực hiện, nhiều ngành đào tạo đã được hình thành. Năm 1975, khóa Bác sĩ nội trú đầu tiên ra trường, họ là những bác sĩ có tay nghề giỏi, giữ các vị trí chuyên môn nòng cốt. Hiện nay trên thế giới, đào tạo nội trú là bắt buộc đối với mọi sinh viên y khoa ra hành nghề. Năm 1979, Bốn cơ sở đầu tiên là Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Dược liệu được giao nhiệm vụ đào tạo Nghiên cứu sinh, đánh dấu thời kỳ đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trong nước.
Từ năm 1981 đến nay, Vụ Khoa học và Đào tạo đã thực hiện tham mưu cho Bộ cả hai lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu khoa học. Số cơ sở đào tạo, cán bộ giảng dạy, cơ sở thực hành tăng nhanh chóng, cả công lập và dân lập với nhiều trình độ đa dạng. Nhiều mã ngành đào tạo mới được mở ra đáp ứng nhu cầu phát triển như vũ bão của y học. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục cũng được hình thành, công tác đào tạo liên tục được đẩy mạnh chưa từng có. Đến nay, cả nước có 48 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học, gần 100 trường Cao đẳng y tế trong và ngoài công lập. Hàng năm có hơn 8 ngàn bác sĩ, hơn 6 ngàn dược sỹ đại học ra trường, đạt 9 bác sĩ và 11,4 điều dưỡng trên vạn dân. Cơ cấu trình độ chuyển biến theo hướng tích cực; trình độ từ đại học trở lên đạt trên 30,7%; cao đẳng đạt gần 23%; trung cấp đạt 8,3%. Nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch đã ban hành như Kế hoạch thực hiện Nghị quyết trung ương 20, 29 về đổi mới căn bản, toàn diện mạnh mẽ giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ ngành y tế. Nghị định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, thành lập và triển khai hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia; nhiều chuẩn năng lực Điều dưỡng, Hộ sinh, Bác sĩ Đa khoa, Dược sĩ,… đã được Bộ Y tế tham mưu và ban hành thực hiện. Đào tạo dựa trên năng lực đồng nghĩa với tính trách nhiệm cao của cơ sở đào tạo đối với xã hội và với chính sinh viên, học viên của nhà trường.
Đề cao vai trò thực hành chăm sóc trong nhóm nhân lực y tế (hệ thống bác sĩ gia đình), đào tạo cán bộ quản lý y tế chính là những điểm nổi bật trong cải cách đào tạo và đổi mới sử dụng nhân lực y tế; Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” đã tổ chức được 354 bác sĩ trẻ có tay nghề cao cho 62 huyện thuộc 20 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Công tác nghiên cứu khoa học đã chắp cánh cho y học và y tế nước nhà vươn cao. Nghiên cứu khoa học, hơn thế nữa, đã chắp cánh cho những tài năng bay tới chân trời rộng mở, nơi có thể tiếp cận với chân lý của những điều kỳ diệu trong y học. Với nhiều chương trình, đề án, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở, đề tài hợp tác với nước ngoài lĩnh vực y tế đã được nghiệm thu, chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, đã đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới như: ghép tạng, phẫu thuật nội soi và tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản, sản xuất vắc xin, trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán và điều trị,vv… Hằng năm, số giải thưởng và thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ luôn đứng tốp đầu, số công trình nghiên cứu y- dược học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế chiếm tỷ trọng cao nhất (16-18%) trong tổng số công trình của Việt Nam đăng tải ở nước ngoài.
Thử nghiệm lâm sàng là hoạt động tương đối mới ở Việt Nam, song đã thiết lập được hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn, sức khỏe của người dân Việt Nam. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia của Bộ và các Hội đồng đạo đức cấp cơ sở được củng cố, hoàn thiện và từng bước hoạt động vào nền nếp đảm bảo chất lượng.
Năm 2020 là một năm có nhiều biến động. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Trước tình hình đó, cùng với cả ngành, Hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời, huy động tổng thể các nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo cán bộ y tế phục vụ công tác phòng chống dịch. Nghiên cứu và sản xuất thành công kit/test, sinh phẩm chẩn đoán Sars-CoV-2, nghiên cứu sản xuất thành công máy thở, kịp thời xây dựng và ban hành Hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng máy thở có xâm nhập, vắc xin phòng CoVid-19. Đào tạo được 19.000 sinh viên y khoa năm cuối và 29.000 điều dưỡng viên năm thứ ba cao đẳng góp phần nhân lực phòng chống dịch Covid19.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Kính thưa các Thày, các Cô,
Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phát triển khoa học và công nghệ là then chốt để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta kỳ vọng các trường đại học sẽ là cái nôi của các nghiên cứu cơ bản và phát minh ứng dụng y học và trở thành các Đại học Nghiên cứu trong tương lai.
Nhân ngày Nhà giáo Việt nam 20.11.2020, Chúng ta trân trọng bày tỏ lời cảm ơn, tri ân và biết ơn sâu sắc tới thế hệ các thày cô giáo lão thành của ngành Y tế, các thày cô đã đào tạo ra thế hệ các thày thuốc, nhà khoa học, cán bộ y tế tốt phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Lòng tâm huyết, tài năng và sự khắt khe của các thày cô đã truyền lửa cho các thế hệ học trò phẩm chất khoa học tốt đẹp, trung thực và niềm đam mê vô bờ bến. Chúng ta tự hào đã có nhiều nhà khoa học xứng danh, những người đã làm rạng rỡ nền y học và hệ thống y tế nước nhà hướng tới hội nhập quốc tế, sánh vai với năm châu như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Kính thưa các quý vị đại biểu,
Chất lượng là các thang giá trị phải xây dựng, không dễ gì có ngay được và cũng không có điểm dừng. Đó là những thách thức cho những người được giao nhiệm vụ làm cầu nối, tham mưu, trong bối cảnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm đang diễn ra mạnh mẽ của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài ngành y tế.
Thay mặt hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học y tế cả nước, công chức, viên chức người lao động Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, tôi chân thành cảm ơn Đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ, nguyên Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến, Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Thị Kim Tiến đã đặc biệt quan tâm tới công tác khoa học và đào tạo cán bộ y tế. Xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ tiền nhiệm, đương nhiệm, đã chỉ đạo Cục phát triển như ngày hôm nay.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo xin trân trọng cảm ơn các Bộ, Ban, Ngành trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố trong cả nước; xin trân trọng cảm ơn các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, các đơn vị sự nghiệp y tế, các sở y tế, các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương, địa phương, đặc biệt là các Thầy Cô, các chuyên gia của Ngành đã cộng tác, giúp đỡ, và chỉ đạo cho Cục phát triển đi lên. Trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của các tổ chức quốc tế cho khoa học và đào tạo như: WB, ADB, JICA, WHO, UNICEF, UNFPA, Các trường đại học, Viện nghiên cứu trên thế giới, Các Chính phủ Hà Lan, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thụy Điển và nhiều tổ chức quốc tế, Tổ chức Chính phủ, Tổ chức phi Chính phủ khác đã hợp tác giúp đỡ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành y tế trong thời gian vừa qua.
Thay mặt toàn thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục KHCN và ĐT, Tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ tiền nhiệm của Cục về những đóng góp to lớn, thầm lặng đã hun đúc cho các thế hệ nối tiếp bằng tình đoàn kết, sự sáng tạo và lòng tâm huyết nghề nghiệp để viết nên trang sử 65 năm đáng ghi nhớ của Cục khoa học công nghệ và đào tạo với nhiều tên gọi: Vụ Huấn Luyện (1955); Cục Đào tạo (1969); Vụ Quản lý Khoa học Kỹ thuật (1971); Vụ Đào tạo (1982); Vụ Khoa học và Đào tạo (1988) và Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo từ năm 2012 đến nay, đánh dấu bằng phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước “Huân chương Lao động Hạng Nhất” mà Chủ tịch nước tặng hôm nay.
Thay cho lời tri ân 65 năm xây dựng và phát triển Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trong buổi lễ trang trọng này, xin được mượn đoạn thơ của một người thầy lãnh đạo tiền nhiệm đã gửi đến Cục trong dịp này:

Sáu mươi lăm năm một cuộc đời
Vằng vặc sao khuê sáng giữa trời
Bao tấm lòng son bao thế hệ
Gánh chữ y tế cho đời mãi không thôi

Các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức người lao động của Cục luôn tự hào đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện 10 chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho ngành y tế ngày 15.11.2020 để viết thêm trang sử vẻ vang đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ khoa học công nghệ và đào tạo cán bộ y tế.
Xin Kính chúc đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí nguyên Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, các thày giáo, cô giáo và toàn thể các quý vị đại biểu trong nước và quốc tế có nhiều sức khỏe, thành công sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Ngày 18/11/2020

TS. Phạm Văn Tác

Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia

Cục trưởng