Hội nghị chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ trong nghiên cứu ứng dụng KHCN lĩnh vực y tế
Thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, ngày 07 tháng 10 năm 2020, tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì Hội nghị chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ trong nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ lĩnh vực y tế năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Tham dự buổi làm việc: về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Lãnh đạo 9 Vụ, Cục, Tổng cục liên quan; Bộ Y tế có 13 Vụ, Cục, Tổng cục, một số đơn vị sự nghiệp liên quan tham dự.
Báo cáo về công tác KHCN 5 năm qua tại Hội nghị, đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết ngành Y tế đã nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh tật ở người như ghép tạng, trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân…
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vaccine phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất các loại vắc xin phục vụ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; Làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh; Tập trung nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế, nhất là trang thiết bị y tế công nghệ cao…
TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng báo cáo tại Hội nghị
Theo đánh giá, đến năm 2020, về cơ bản các công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị trên thế giới đã được đội ngũ chuyên gia lâm sàng Việt nam tiếp cận, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới nhiều lĩnh vực… Ngành Y tế cũng đạt nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực Y học dự phòng, vaccine, sinh phẩm, y học lâm sàng, y học cơ sở, dược – dược liệu, y tế công cộng, chính sách y tế…
Trong phòng chống dịch COVID-19, ngành Y tế đã nghiên cứu, sản xuất các test, KIT chẩn đoán nhanh COVID-19; Nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thuốc nhằm xây dựng phác đồ điều trị COVID-19; Nghiên cứu sản xuất máy thở; Nghiên cứu, sản xuất và đánh giá thử nghiệm vaccine COVID-19.
Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất vaccine. Trong đó, 2 ứng viên được kỳ vọng nhiều nhất là Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế IVAC (Nha Trang) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen (TP.HCM).
TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng đề xuất một số nội dung
Đề xuất với Lãnh đạo 2 Bộ, TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng, đề nghị cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong việc quản lý các nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học công nghệ phê duyệt; Đề nghị ưu tiên phê duyệt triển khai các nội dung nghiên cứu, trước mắt năm 2021 và trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Bộ Y tế đề xuất; Đề nghị Lãnh đạo 2 Bộ giao đơn vị đầu mối của Bộ Y tế là Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng đánh giá kết quả chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2012 – 2020 và dự thảo Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 – 2020 trình 2 Bộ trưởng ký vào quý I/2021.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị một trong hai hoạt động ưu tiên năm 2021 là phê duyệt Chương trình hoặc dự án khoa học và công nghệ độc lập giao Bộ Y tế quản lý phục vụ Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. Trước mắt, sớm có kinh phí tối thiểu 60 tỷ từ nguồn sự nghiệp khoa học để IVAC và Nanogen thực hiện nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và 2 (tiến hành trên người với quy mô nhỏ).
Bộ Y tế cũng đề xuất năm 2021 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2021-2030 Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt 3 chương trình khoa học và công nghiệp trọng điểm cấp Quốc gia giao Bộ Y tế chủ trì: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm phục vụ chẩn đoán, điều trị một số bệnh không lây nhiễm có nguy cơ để lại gánh nặng bệnh tật cao; Nghiên cứu phát triển thuốc từ dược liệu Việt Nam; Nghiên cứu sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế công nghệ cao phục vụ chẩn đoán và điều trị…
GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết thời gian qua, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học của ngành Y tế dù hạn chế nhưng hiệu quả cao. Thứ trưởng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm hơn nữa, cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng kinh phí khoa học công nghệ cho ngành Y tế. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành văn bản chính thức, tạo hành lang pháp lý cho phép các đơn vị thuộc ngành Y tế tận dụng mọi nguồn lực cho khoa học công nghệ. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho quy chuẩn quốc gia, đơn cử về môi trường bệnh viện hay môi trường y tế… Phối hợp tăng cường truyền thông thành tựu khoa học công nghệ trong ngành Y tế. Ông cũng đề nghị hai Bộ phối hợp xây dựng mạng lưới cơ sở y tế quốc gia.