Hội nghị trực tuyến về Giáo dục đại học năm học 2021

Cập nhật 25/08/2021 | Lúc 4:04:32

Ngày 24/08/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về Giáo dục đại học năm học 2021, Chủ trì Hội thảo có GS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; về phía Bộ Y tế có sự tham dự của TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo. Hội nghị được tổ chức qua hình thức trực tuyến với 435 điểm cầu là đại diện các Bộ ngành, Trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.

Đầu cầu Cục Khoa học công  nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế

 

Sau khi nghe đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tóm tắt về kết quả hoạt động chính của giáo dục đại học năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 khối các cơ sở giáo dục đại học và Trường Cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non, các đại biểu đã thảo luận về công tác Đẩy mạnh tự chủ đại học, kiện toàn bộ máy; Tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; Các giải pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong các lĩnh vực, nhóm ngành và ngành đào tạo; Các mô hình, giải pháp trước mắt và lâu dài cho tổ chức tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh mới do tác dụng của dịch bệnh COVID-19; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học; tăng cường ứng dụng hình thức học tập trực tuyến; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của cơ sở đào tạo phục vụ giải quyết những vấn đề thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Văn Tác đánh giá cao hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19, trong đó 15 cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế đã cử 9.365 cán bộ, giảng viên và sinh viên đã và đang tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 (tại Thành phố Hồ Chí Minh: 5.272 người; các tỉnh Đông Nam Bộ: 1.717 người và các tỉnh Tây Nam Bộ: 1.934 người).

TS. Tác cũng cho biết thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Luật Giáo dục đại học 01/7/2019 hiện ngành y tế đã Xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục đại học đa dạng, công tư; Xây dựng Nghị định chuyên sâu đặc thù khối ngành sức khỏe; Xây dựng các trường đại học y dược đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; Xây dựng các trường đại học y dược đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam (100% các trường đại học y dược trực thuộc Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng trường, chỉ đạo và điều hành, định hướng phát triển nhà trường).

Đối với việc thực hiện Quyết định 436 và Quyết định 1981, 1982: về xây dựng chuẩn chương trình nhóm ngành sức khỏe hiện Bộ Y tế đã:
– Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp từng ngành trong giáo dục y khoa.
– Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo bao gồm: Kế hoạch, Hội đồng tư vấn; tổ chức xây dựng theo ngành đào tạo (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, dược…)
– Phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình và ban hành.
– Xây dựng chuẩn đầu ra, điều kiện mở ngành và công khai toàn xã hội.
–  Thành lập Hội đồng y khoa Quốc gia tổ chức thi, đánh giá cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực (có thời hạn theo luật khám chữa bệnh), là cơ sở để các cơ sở đào tạo y khoa rà soát lại.

Đối với công tác tăng cường đảm bảo chất lượng đào tạo hiện Bộ Y tế đang triển khai đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng dạy học; xây dựng 04 Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng giảng viên: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; Xây dựng phòng thực hành Tiền lâm sàng đạt chuẩn, Thực hành lâm sàng đảm bảo theo Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Tài liệu học tập được tham khảo, học hỏi, chia sẻ đồng bộ thống nhất giữa các trường đào tạo khối ngày sức sức khỏe. Hiện có 51 cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó 37/51 cơ sở đã tổ chức kiểm định, đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn.

Về công tác nghiên cứu khoa học: ngành y tế có 315 báo cáo ở 24 chuyên ngành (68 báo cáo kỹ thuật), trong đó 24 báo cáo bằng tiếng anh (11 chuyên ngành) tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật tuổi trẻ ngành y tế toàn quốc năm 2020; Đã xây dựng hai Trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về y khoa tại trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở thực tiễn, đại diện Bộ Y tế TS. Phạm Văn Tác đã có những kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo:

  1. Đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Bộ Y tế hoàn thành Nghị định chuyên sâu đặc thù trong đào tạo y khoa theo Luật Giáo dục sửa đổi để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành;
  2. Phối hợp xây dựng chuẩn chương trình đào tạo theo QĐ 436/TTg gắn với chuẩn đầu ra, sửa đổi Thông tư 22 về điều kiện mở mã ngành đào tạo trong giáo dục y khoa gắn với chuẩn đầu ra;
  3. Tăng cường chất lượng đào tạo: tập trung chất lượng đổi mới đội ngũ nhà giáo, đặc biệt phương pháp đào tạo y khoa gắn với kỹ thuật số, gắn thực hành nghề đáp ứng chất lượng hành nghề theo Luật khám bệnh, chữa bệnh.
  4. Tập trung đầu tư xây dựng 03 Trung tâm lớn kết hợp Đào tạo- Nghiên cứu khoa học tại Hà Nội, Huế, Thành phố HCM và 02 Đại học Quốc gia.
  5. Tăng cường tự chủ đại học, trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền và xã hội: Đảm bảo công khai, minh bạch (tuyển sinh, quy trình đào tạo, kết quả đầu ra…).

Kết luận Hội nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lời hỏi thăm và chia sẻ những mất mát và tổn thất đối với các Thầy và trò đang ngày đêm vất vả tham gia phòng chống dịch COVID-19, mong dịch sớm đi qua để ổn định việc dạy và học. Bộ trưởng cũng đã đưa ra các định hướng nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 và các giải pháp nhằm nâng cao tự chủ đại học theo hướng toàn diện, đúng hướng, đầy đủ, có chiều sâu và hiệu quả, trong đó cần thực hiện theo các định hướng giải phóng cho các trường đại học trong khuôn khổ của pháp luật, tăng cường đổi mới và phân cấp trong tuyển sinh, năm 2022 là năm bắt đầu đổi mới của giai đoạn tiếp theo.