Một ca bệnh không phải chuyển viện thì một con trâu của người dân sẽ không bị mất

Cập nhật 10/02/2022 | Lúc 3:19:07

Để đào tạo bác sĩ chuyên khoa I đúng đối tượng, đúng chuyên ngành cần ưu tiên, phù hợp với cơ cấu bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngay tại các địa phương còn khó khăn, Dự án 585 của Bộ Y tế và Quỹ Thiện tâm đã trực tiếp đánh giá và khảo sát khớp cung-cầu bác sĩ trẻ tại các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá – địa phương còn tới 6 huyện nghèo.

BSCKI. Viên Đình Hải – bác sĩ được đào tạo theo Dự án 585 (Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn), tình nguyện về công tác tại BVĐK huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá từ tháng 6/2021, chia sẻ, ngày 8/7/2021, BV nhận một bệnh nhân nuốt dao lam vào bụng. Bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh, không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Thời điểm nhập viện, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, đau vùng hầu họng, đau bụng thượng vị, khạc ra máu đỏ tươi lẫn các cục máu đông.

“Lúc này, tôi nghĩ tổn thương của bệnh nhân có thể rất lớn. Sau khi hội chẩn, Ban Lãnh đạo BV và các bác sĩ kíp trực cũng nhận định, đây là một ca bệnh rất phức tạp. Những trường hợp này sẽ phải chuyển người bệnh lên tuyến trên để xử lý”, BS. Viên Đình Hải cho biết.

Tuy nhiên, sau khi trực tiếp thăm khám, đánh giá, nhận thấy mặc dù dị vật bệnh nhân nuốt vào là con dao lam, nguy cơ gây các thương tổn nặng trên đường di chuyển của nó rất cao, nhưng toàn trạng và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân không quá nặng nề, nên BS. Hải đã đề nghị cho bệnh nhân nội soi thực quản, dạ dày cấp cứu, mục đích là để đánh giá thương tổn và xác định vị trí của dị vật.

Bằng kiến thức đã được đào tạo trong chương trình chuyên khoa I của Dự án 585, BS. Viên Đình Hải nhận thấy, trường hợp này cần phải phẫu thuật lấy dị vật ra khỏi cơ thể bệnh nhân càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa các tổn thương nguy hiểm có thể gây ra khi dị vật còn nằm trong dạ dày và tiếp tục di chuyển trong đường tiêu hoá. Thêm vào đó, điều kiện nhân lực cũng như trang thiết bị của BVĐK huyện Như Xuân hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc phẫu thuật mở dạ dày lấy dị vật mà không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

“Bằng các lập luận thuyết phục và sự tự tin của mình, tôi đã nhận được sự tin tưởng của Ban Giám đốc BV, quyết định không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và giao cho tôi trực tiếp phẫu thuật ca bệnh này”, bác sĩ trẻ chia sẻ.

Sau hơn một giờ phẫu thuật, BSCKI. Viên Đình Hải và các đồng nghiệp đã lấy thành công dị vật. Ngày thứ 8 sau mổ, bệnh nhân được xuất viện. Sau mổ 2 tháng, sức khoẻ bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.

Đây chỉ là một ca bệnh đặc biệt trong hàng trăm ca phẫu thuật mà bác sĩ trẻ Viên Đình Hải đã thực hiện trong 6 tháng công tác tại BVĐK huyện Như Xuân.

BS. Trịnh Ngọc Hân, Giám đốc BVĐK huyện Như Xuân cho biết, ngay từ khi nhận được thông tin có bác sĩ trẻ của BV Việt Đức tình nguyện về công tác, BV có kỳ vọng rất lớn. Khi bác sĩ về công tác, BV đã tạo điều kiện hết sức để BS. Hải thực hiện chuyên môn, đặc biệt là chuyên khoa ngoại. Chỉ sau 6 tháng công tác, nhiều người dân của huyện Như Xuân đã rất nhớ vj bác sĩ này.

“Nhân dân huyện Như Xuân rất cần các dịch vụ y tế nâng cao. Một ca bệnh không phải chuyển viện thì một con trâu của người dân không bị mất đi, do người bệnh không phải bán trâu, bán bò để lấy kinh phí chữa bệnh khi chuyển viện. Vì vậy, BV rất mong có nhiều bác sĩ trẻ như BSCKI. Viên Đình Hải về công tác để phục vụ người dân”, BS. Trịnh Ngọc Hân cho biết.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cũng chia sẻ, từ câu chuyện của BS. Viên Đình Hải, chúng ta có thể thấy, các bác sĩ trẻ thực sự đã có trải nghiệm rất tốt về chuyên môn. Họ được đặt vào môi trường phải tự quyết định rất nhiều, không có bài học nào tốt bằng sự trải nghiệm này. Chính trải nghiệm này đã tạo nên giá trị, đặc biệt là những quyết định quyết đoán rất cần ở các bác sĩ.

“Đến thời điểm này, với sự điều chỉnh kịp thời về các tiêu chí xét tuyển, Dự án đã và đang làm rất tốt việc bổ sung bác sĩ trẻ có chuyên môn cao cho vùng khó khăn”, ông Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh và cho biết thêm, nhà trường cam kết sẽ dành nguồn lực và ưu tiên cho Dự án. Đồng thời cũng đổi mới chương trình đào tạo hằng năm từ nhu cầu của địa phương để làm sao chất lượng đầu ra của các bác sĩ tốt hơn.

Ông Phạm Văn Tác, Giám đốc Dự án 585 cho biết, không có kỳ tuyển sinh nào giống kỳ tuyển sinh này. Các bác sĩ được tuyển chọn từng người, ưu tiên chuyên ngành đang cấp thiết tại các cơ sở y tế huyện nghèo. Dự án đến trực tiếp khảo sát tại các địa phương, các huyện để khớp cung cầu. Mỗi bác sĩ trẻ được tuyển chọn sẽ được các thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc 1-1. Trong 24 tháng đào tạo, chi phí học của mỗi bác sĩ trẻ khoảng 180 triệu đồng. Đây là thời gian vàng để các bác sĩ trẻ học hỏi, nâng cao tay nghề của chính mình để trở về phục vụ người dân.

Tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 3,6 triệu dân, với 7 dân tộc sinh sống. Các dân tộc ít người chủ yếu sống ở huyện miền núi cao và biên giới. Toàn tỉnh có trên 14.000 nhân viên y tế. Tại các huyện miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa, số lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao rất ít. Đặc biệt các bác sĩ ở các trạm y tế rất hiếm. Theo Đề án 585 của Bộ Y tế, tỉnh Thanh Hoá có 20 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I tình nguyện về công tác tại 6 huyện nghèo, gồm Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát.

Hiện đã có 354 bác sĩ trẻ của Dự án 585 đã về công tác tại 62 huyện nghèo trên cả nước.

Ông Nguyễn Thế Hiển (Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế – đơn vị chủ trì Dự án 585) cho biết, trong giai đoạn 2 (2021-2030), mỗi năm, Dự án sẽ đào tạo tối thiểu 100 chỉ tiêu BSCKI cho 62 huyện nghèo trên cả nước, với nhà tài trợ là Quỹ Thiện tâm (VinGroup) sẽ hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng/năm. Dự án cũng sẽ đào tạo thêm đối tượng liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi; độ tuổi cũng điều chỉnh lại là nam dưới 40 tuổi, nữ dưới 37 tuổi có thể tham gia. Tuy nhiên, các bác sĩ trẻ phải cam kết công tác tại BV vùng khó khăn 5 năm, nếu không thực hiện đúng cam kết, bác sĩ sẽ bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Dự án cũng đã rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung vào chương trình học của các BSCKI thêm 3 tháng về chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, Dự án sẽ có kế hoạch đào tạo BSCKII gồm 5 chương trình để nâng cao tay nghề cho những BSCKI của Dự án này.

Hiền Minh – Báo điện tử Chính phủ