JICA – Câu hỏi thường gặp
I. QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐÀO TẠO
Câu hỏi 1: Bệnh viện nào được tổ chức đào tạo điều dưỡng viên mới (ĐDVM) theo chương trình này?
Để tổ chức đào tạo theo chương trình đào tạo THLS cho ĐDVM, bệnh viện cần có đủ các tiêu chuẩn sau:
– Tiêu chuẩn 1: Bệnh viện xếp hạng 3 hoặc được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương hạng 3 trở lên;
– Tiêu chuẩn 2: Có trang thiết bị dạy học thiết yếu phục vụ cho dạy học lý thuyết và thực hành theo chương trình;
– Tiêu chuẩn 3: Có khoa lâm sàng để học viên thực hành đáp ứng đủ nội dung theo chương trình thực hành lâm sàng (trừ trường hợp liên kết với bệnh viện khác);
– Tiêu chuẩn 4: Có lãnh đạo bệnh viện chịu trách nhiệm đào tạo, người quản lý đào tạo;
– Tiêu chuẩn 5: Có phân công điều dưỡng phụ trách đào tạo;
– Tiêu chuẩn 6: Có phân công người hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Xem thêm cuốn “Hướng dẫn tổ chức, quản lý đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng viên mới” – Từ trang 16 đến 19.
Câu hỏi 2: Để triển khai 1 khóa đào tạo thực hành lâm sàng (THLS) ở bệnh viện thì cần những gì?
Khi tổ chức đào tạo THLS tại bệnh viện thì việc đầu tiên là phải phân công người phụ trách đào tạo (thông thường sẽ là Trưởng phòng điều dưỡng), bố trí đủ người hướng dẫn, tài liệu đào tạo (nên in ra và phát cho tất cả học viên), chuẩn bị đủ vật tư tiêu hao v.v… Các trang thiết bị y tế như mô hình toàn thân cũng sẽ rất hữu ích nhưng không phải là thiết yếu. Nếu cần, các anh chị có thể mượn những mô hình này ở các trường đào tạo y tế trên địa bàn.
Xem thêm cuốn “Hướng dẫn tổ chức, quản lý đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng viên mới” – Trang 30 đến 34.
Câu hỏi 3: Kinh phí cho các khóa đào tạo ấy từ đâu?
Khuyến khích các đơn vị đưa các nội dung đào tạo vào kế hoạch chung hàng năm của toàn bệnh viện để có thể đảm bảo nguồn ngân sách. Kinh phí tổ chức đào tạo được lấy từ một số nguồn khác nhau tùy thuộc vào tình hình của mỗi đơn vị như từ nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp của học viên, tài trợ hoặc nguồn thu hợp pháp khác. Trong một số trường hợp, nguồn kinh phí cho một số đào tạo như sau:
– Đào tạo người hướng dẫn (NHD): từ nguồn đào tạo liên tục của đơn vị;
– Đào tạo ĐDVM: từ các nguồn thu hợp lệ từ ngân nhà nước, tài trợ, đóng góp của ĐDVM. Trong tương lai khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nên nghiên cứu cơ chế thu học phí của các học viên.
Xem thêm cuốn “Hướng dẫn tổ chức, quản lý đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng viên mới” – Trang 34.
Câu hỏi 4. Liệu Cục KHCN&ĐT có thể hỗ trợ các đơn vị khi gặp khó khăc, vướng mắc trong triển khai đào tạo THLS không?
Theo như hướng dẫn triển khai hệ thống đào tạo thì Sở Y tế các địa phương sẽ là đơn vị đầu mối tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ từ các cơ sở y tế trên địa bàn. Vai trò của Sở Y tế trong hỗ trợ, giám sát và đánh giá là hêt sức quan trọng. Thông qua công tác giám sát, đánh giá, Sở Y tế sẽ có cái nhìn cụ thể về nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị cũng như cách thức điều phối, ví dụ như các đơn vị có nhu cầu được đào tạo người hướng dẫn, Sở Y tế sẽ điều phối với các trường đào tạo y tế để bố trí giảng viên cũng như đề xuất lên Ủy ban Nhân dân về việc cấp ngân sách cho hoạt động điều dưỡng, tuyển dụng nhân lực điều dưỡng… Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền của Sở Y tế, Sở Y tế sẽ xin ý kiến Cục KHCN&ĐT để tìm giải pháp.
II. ĐÀO TẠO THLS CHO ĐIỀU DƯỠNG VIÊN MỚI
Câu hỏi 1: Đào tạo ĐDVM có bắt buộc tổ chức thành một (01) lớp học như đào tạo chính quy không?
Cần linh hoạt, tùy điều kiện cụ thể để phù hợp với việc tuyển dụng của đơn vị và nhu cầu của ĐDVM. Dạy/học lý thuyết nên thành lớp để tiết kiệm thời gian, song song phát huy tối đa việc tự học tự và nghiên cứu của ĐDVM trong khi giảng viên chỉ đóng vai trò giải đáp, tóm tắt nội dung học. Dạy/học thực hành lâm sàng theo nhóm nhỏ, có thể 1 ĐDVM là một nhóm.
Câu hỏi 2: Trong quá trình học THLS 09 tháng, vì lý do nào đó ĐDVM phải nghỉ học 1 thời gian thì xử lý thế nào?
Một trong những yêu cầu để hoàn khóa đào tạo THLS 09 tháng là ĐDVM phải tham gia 100% số giờ học thực hành và tối thiểu 80% số giờ học lý thuyết trong chương trình. Khi ĐDVM phải nghỉ học vì một thời gian, họ phải sắp xếp học bù khi trực hoặc ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Trong trường hợp không bổ sung được theo điều kiện trên, ĐDVM phải chuyển sang khóa đào tạo kế tiếp.
Câu hỏi 3: Điều dưỡng viên mới được tuyển dụng, đã có Chứng chỉ hành nghề muốn được tham gia học theo chương trình này có được không?
Điều dưỡng đã có Chứng chỉ hành nghề vẫn có thể tham gia học theo chương trình đào tạo THLS cho ĐDVM nếu họ sắp xếp được thời gian và kinh phí.
Câu hỏi 4: Hiện tại bệnh viện tôi NHD có trình cao đẳng, đợt này tuyển dụng điều dưỡng có trình độ đại học, vậy tổ chức chương trình này tại bệnh viện như thế nào?
Theo Luật trình độ người hướng dẫn phải ngang bằng hoặc cao hơn trình độ ĐDVM. Vây giai đoạn này cần phải gửi các ĐDVM có trình độ đại học đến thực hành lâm sàng ở bệnh viện khác. Giám đốc không ký hợp đồng thực hành lâm sàng với ĐDVM có trình độ cao hơn người hướng dẫn của đơn vị.
III. ĐÀO TẠO NGƯỜI HƯỚNG DẪN
Câu hỏi 1: Bệnh viện nào được tổ chức đào tạo NHD theo chương trình này?
Thường từ bệnh viện hạng 2 trở lên mới có thể có đủ điều kiện tổ chức đào tạo cho NHD. Trong một số trường hợp, bệnh viện có thể phối hợp với trường đào tạo điều dưỡng trên địa bàn tỉnh để thực hiện đào tạo NHD (nơi sẵn có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp và phòng thực hành tiền lâm sàng).
Câu hỏi 2. Ai sẽ là giảng viên của các lớp đào tạo người hướng dẫn? Tìm nguồn giảng viên ở đâu?
Nội dung chương trình đào tạo NHD hoàn toàn có thể được giảng dạy bởi các điều dưỡng giàu kinh nghiệm tại bệnh viện từ hạng II trở lên, ví dụ như là điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng (có trình độ đại học trở lên; có chứng chỉ pp sư phạm y học cơ bản hoặc phương pháp giảng dạy lâm sàng). Sau khi nghiên cứu tài liệu giảng dạy, các điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng đều có thể đứng lớp giảng các bài trong chương trình đào tạo người hướng dẫn thực hành lâm sàng. Trong trường hợp đơn vị gặp khó khăn trong đào tạo NHD, Sở Y tế sẽ điều phối và kết nối bệnh viện với các chuyên gia trong tỉnh để hỗ trợ thực hiện đào tạo; hoặc một cách khác nữa là có thể liên hệ với các cơ sở y tế nằm trong vùng thí điểm của Dự án JICA Điều dưỡng để được chia sẻ kinh nghiệm.
Xem thêm cuốn “Hướng dẫn tổ chức, quản lý đào tạo thực hành lâm sàng cho điều dưỡng viên mới” – Trang 16.
Câu hỏi 3. Ở bệnh viện của tôi chưa có ai được học về đánh giá dựa trên năng lực vậy làm sao chúng tôi có thể đánh giá năng lực của các điều dưỡng viên mới sau khi kết thúc khóa học?
Trong tài liệu của chương trình đào tạo người hướng dẫn cung có nội dung nói về thế nào là học tập dựa trên năng lực và lượng giá, đánh giá dựa trên năng lực. Hơn nữa, Dự án cũng đã gửi đến Sở Y tế các địa phương rất nhiều tài liệu bổ sung liên quan đến đánh giá dựa trên năng lực và các bài giảng mẫu về học tập, đánh giá dựa trên năng lực, các anh chị có thể tham khảo thêm từ nguồn trên.